Chuyện tình tuyệt đẹp của một cựu Thủ Tướng đảo quốc Tân Gia Ba, khó có thể tưởng tượng được trong thời đại văn minh nầy!
Hai Nguyen
Chuyện Tình LÝ QUANG DIỆU


Ông bà Lý Quang Diệu mừng sinh nhật thứ 80 của ông vào ngày 16.9.2003. Không lâu sau đó, bà bị đột quỵ khi đang cùng ông công du Anh quốc, nhưng bình phục được và yếu đi.
Chọn cho bà một sự ra đi nhẹ nhàng hay cứ tồn tại trong đớn đau là điều dằn vặt ông: “Tôi có thể đuổi hết các y tá đi. Khi đó những người giúp việc không biết cách làm cho bà ấy thở được, khiến bà sưng phổi, và kết thúc mọi đau đớn”. Nhưng, “một bác sỹ nói với tôi: Có thế ông nghĩ rằng ông sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi bà ấy ra đi, nhưng rồi ông sẽ buồn và cảm thấy trống vắng. Vì ít ra, bà vẫn là một con người ở đây, một người mà hằng ngày ông có thể trò chuyện cùng và hiểu được những gì ông nói”.

“Thi thoảng trong những khoảnh khắc lặng yên, ký ức những ngày đẹp đẽ mà chúng tôi bên nhau lại trở về”, ông Lý tâm sự với Seth Mydans. “Có phải mỗi khi ông đến thăm bà thì ký ức ngày xưa quay trở lại?”, Seth hỏi. “Ồ không, không phải lúc đó đâu. Con gái tôi vừa tìm được hàng chục bức ảnh cũ và ảnh kỹ thuật số lưu trữ tại tập đoàn báo chí Singapore Press Holdings. Khi tôi nhìn lại chúng, tôi nghĩ tôi may mắn làm sao. Tôi đã có 61 năm hạnh phúc bên bà ấy. Chúng tôi rồi sẽ phải ra đi. Tôi không chắc ai sẽ ra đi trước, bà ấy hay là tôi. Vì vậy tôi nói với bà ấy, rằng tôi đang nhẩm lại lời nguyền lứa đôi của tín đồ Cơ đốc giáo. Tôi nhớ nó thế này: Hãy yêu, gìn giữ và vun đắp, trong đau ốm hay khỏe vui, lúc thuận lợi, khi khó khăn, chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta”.
Lý Quang Diệu chỉ có một cuộc tình duy nhất, cuộc tình với Kha Ngọc Chi, nữ sinh con nhà giàu học giỏi nhất trường Đại học Raffles cách đây 2/3 thế kỷ.

Năm 1940, khi Thế chiến thứ 2 đã tràn lan khắp châu Âu, ước mơ sang Anh quốc du học của các học sinh thuộc địa như Lý Quang Diệu tạm gián đoạn. Quang Diệu nhận học bổng Anderson danh giá nhất trong nước và học luật tại Đại học Raffles. Cuối học kì đầu tiên của năm nhất, Quang Diệu xếp đầu trường về môn toán. “Nhưng tôi bàng hoàng nhận ra rằng tôi không chiếm vị trí số 1 cả môn tiếng Anh lẫn môn kinh tế. Tôi xếp sau một cô tên Kha Ngọc Chi. Tôi thất vọng và cảm thấy khó chịu”, Quang Diệu kể trong Hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 – 1965 xuất bản năm 1998. Quang Diệu thất vọng vì sợ không lấy được học bổng Nữ hoàng để du học ở Anh.
“Tôi đã gặp cô Kha này hồi năm 1939. Khi ấy cô ta là nữ sinh duy nhất ở trường Trung học Raffles toàn là con trai. Cô ta được hiệu trưởng mời phát phần thưởng cuối năm cho các học sinh giỏi. Lần đó, tôi nhận được từ tay cô ta 3 quyển sách”, Quang Diệu viết trong Hồi ký.
Rồi cuộc chiếm đóng của người Nhật ở Singapore ập đến vào đầu năm 1942. Trường lớp đóng cửa. Ngọc Chi về nhà phụ giúp gia đình. Quang Diệu, con trai cả trong một gia đình có 4 trai 1 gái, đi làm công, rồi lao ra chợ đen kinh doanh để giúp đỡ gia đình. Rượu ngoại, thuốc lá, nữ trang… thứ gì có lời là anh buôn tất. Ở chợ đen, anh gặp Yong Nyuk Lin, một cựu sinh viên ở Đại học Raffles khi đó đang làm việc tại một công ty bảo hiểm quốc tế.
Ngày nọ có một công ty kinh doanh văn phòng phẩm hỏi Quang Diệu tìm nguồn cung cấp hồ dán. Quang Diệu trao đổi với Nyuk Lin, rồi cả hai mở xưởng sản xuất hồ, một cái đặt ở nhà Quang Diệu, một cái đặt ở nhà Nyuk Lin do vợ và em vợ anh ta trông coi. Em vợ Nyuk Lin chính là cô Kha Ngọc Chi một thời lừng lẫy ở Đại học Raffles!
Chính thương vụ hồ dán mà Quang Diệu gặp lại Ngọc Chi vào lần đầu tiên anh đến nhà Nyuk Lin ở khu Tiong Bahru trên chiếc xe đạp cà tàng. Lúc đó, Ngọc Chi đang ngồi nơi mái hiên bên hè nhà. “Khi tôi hỏi Nyuk Lin đâu, cô ta mỉm cười và chỉ chiếc cầu thang ngay góc nhà. Giờ đây, tôi gặp cô ta trong một bối cảnh khác. Cô ta đang ở nhà, ăn mặc thoải mái, tự tay làm việc nhà vì không còn người giúp việc nữa”, Quang Diệu kể. Tình cảm đầu đời giữa họ đã nảy sinh từ đó.

Cuối năm 1945, cuộc chiếm đóng của người Nhật đã chấm dứt, Ngọc Chi đi làm thủ thư ở Thư viện Raffles. Ngày ngày, Quang Diệu cuốc bộ đưa cô về nhà. Có lần, anh chở Chi về bằng xe gắn máy của mình, khiến mẹ cô nổi giận. Gia đình cô vốn giàu có, cha làm ngân hàng, ở nhà biệt thự và có xe hơi đưa rước đến trường hằng ngày. Vì thế, ngồi sau xe gắn máy của một người đàn ông là điều không thể chấp nhận đối với một tiểu thư như cô. “Thiên hạ sẽ nghĩ sao? Ai mà dám lấy con chứ!”, mẹ cô đay nghiến.
Đêm Giao thừa năm 1946, Quang Diệu thổ lộ với Ngọc Chi rằng anh không có ý định quay lại Đại học Raffles để hoàn thành chương trình cử nhân luật của mình mà sẽ đi Anh du học, và hỏi cô có thể chờ đợi anh quay lại sau 3 năm. “Chi hỏi tôi có biết Chi lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi. Tôi nói rằng tôi biết và đã cân nhắc kỹ điều này. Rằng tôi đã đủ chín chắn. Hơn nữa tôi muốn làm bạn với một người bằng vai phải lứa và khó lòng tìm được một người khác có cùng hoài bão với tôi như Chi. Chi nói sẽ chờ đợi tôi”, Quang Diệu viết trong Hồi ký. Nhưng họ quyết định không nói với cha mẹ hai bên, bởi “quá khó để các bậc cha mẹ đồng ý một sự hứa hẹn dài đăng đẳng như vậy”.
Khi biết con có ý định du học, mẹ Quang Diệu muốn anh hứa hôn với một cô gái gốc Hoa, để chắc rằng sau khi học xong và về nước, anh không dẫn theo một cô mắt xanh tóc vàng. Đã có nhiều sinh viên đi du học, lấy vợ Anh, khi về nước thì ly hôn hoặc phải chuyển về Anh sống vì cô vợ không thích nghi được với văn hóa xứ thuộc địa. Vì thế, mẹ anh đã lần lượt dẫn về ra mắt anh 3 cô gái gốc Hoa, dung nhan tươi thắm, gia đình tử tế, khá giả. “Nhưng tôi chẳng có chút rung động nào. Tôi thấy hạnh phúc với Chi”, Quang Diệu kể.
Và để mẹ đỡ lo, Quang Diệu quyết định thổ lộ với mẹ về Ngọc Chi. Gia đình Chi và gia đình Quang Diệu có nhiều nét tương đồng: cha họ đều là người Hoa sinh ra trên đảo Java của Indonesia; mẹ họ cũng là những người gốc Hoa sinh ra quanh eo biển Singapore. Từng gặp Ngọc Chi trong thương vụ hồ dán và từng nghe chuyện cô nữ sinh đứng đầu Đại học Raffles, mẹ Quang Diệu ưng bụng lắm. “Cử chỉ của bà đối với Chi chuyển sang hướng thân thiện trong tâm thế một mẹ chồng tương lai”, Quang Diệu ghi nhận.
(còn tiếp)
- LU NƯỚC BÊN ĐƯỜNG. -Cát Tường- - 2013-09-09 06:17:37
- VÌ TÔI LÀ .....MẸ (Phần 2) - Nguyễn Thị Liễu - 2013-09-05 05:39:11
- VÌ TÔI LÀ .....MẸ (Phần 1) - Nguyễn Thị Liễu - 2013-09-05 01:37:14
- NGHỊ LỰC TRONG CUỘC SỐNG - La Thị Hiền sưu tầm - 2013-08-31 02:16:51
- TƯ TƯỞNG CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO. -Hà Nguyên- - 2013-08-27 11:38:44
- HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM( tiếp theo). -Người Long Hồ- - 2021-01-10 10:00:16
- HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM( tiếp theo). -Người Long Hồ- - 2020-12-30 11:04:10
- HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM( tiếp theo). -Người Long Hồ- - 2020-12-20 10:25:03
- HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM( tiếp theo). -Người Long Hồ- - 2020-12-17 09:01:38
- HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM( tiếp theo). -Người Long Hồ- - 2020-12-12 10:50:15