SỰ KIỆN ĐOÀN TRƯNG VÀ CHÍNH BIẾN “CHÀY VÔI” NĂM 1866 . Như Không Đặng công Tạo (TT và hết )

Bi Đình ( bia đá Khiêm Cung Ký của vua Tự Đức ) trong Khiêm Lăng

Dũ Khiêm Tạ

Hồ Lưu Khiêm

Hồ Lưu Khiêm

Hồ Lưu Khiêm


Khiêm Cung

Mộ vua Tự Đức

Hành lang bên trong Khiêm Cung


Khiêm Cung Môn

Tiểu Khiêm Trì

Lương Khiêm Điện

Nhà mồ vua Tự Đức



Ngai vàng trong Minh Khiêm Đường ( nơi vua xem hát )

Sân khấu trong Minh Khiêm Đường
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
SỰ KIỆN ĐOÀN TRƯNG VÀ CHÍNH BIẾN “CHÀY VÔI” NĂM 1866
Như Không Đặng công Tạo
Tư liệu tham khảo chính : 1/- “Phân tích những khuynh hướng tình cảm đạo lý xã hội trong thi ca Tùng Thiện Vương ” Ngô văn Chưởng –Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa-1963.
2/- Bản dịch Việt Ngữ : Đại Nam thực lục - 3/- Quốc triều sử toát yếu . 4/- Quốc Triều Chính Biên liệt truyện .
PHẦN I : Khái quát về sự kiện CHÀY VÔI và nhân vật ĐOÀN TRƯNG .
PHẦN II : Diển biến của sự kiện
PHẦN III : Sau chính biến CHÀY VÔI .
PHẦN IV : Trích “ Trung Nghĩa Ca “
PHẦN V : Phân tích nguyên nhân thất bại của cuộc chính biến .
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
PHẦN III : Sau chính biến CHÀY VÔI
Danh sách đợt thãm sát sau cùng này đối với gia đình Hồng Bảo gồm: “Đinh Đạo, Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (các con của Hồng Bảo), Thị Thụy(mẹ Ưng Đạo), Thị Làng (vợ Ưng Đạo), và hai đứa bé, một trai, một gái “( Con Ưng Đạo ) … “ Đứa con trai 3 tuổi của Đinh Đạo, thân thể mạnh khoẻ, đến hôm ấy cũng bị thắt cổ đến hai lần mà nó vẫn chưa chết, khi bỏ vào quan tài nó vẫn còn khóc oa oa”. ( Bản triều bạn nghịch liệt truyện-bản dịch của Kiều Oánh Mậu-)
Về phía Đoàn Trưng thì chỉ còn mẹ già đã loà và người em gái ở làng An Truyền, không rỏ triều đình đã xử thế nào, Đại Nam Thực Lục chép “ tịch thu gia sản “. Vợ là Thể Cúc, có thể đã được Đoàn Trưng dàn cảnh nghịch hỗn với mẹ chồng bị đuổi bồng con về nhà cha mẹ ruột trước khi hành sự cả tháng, lại là em chú bác ruột của Tự Đức nên được miễn tội.
Về đứa con , có 2 thuyết :
1/- [ Trong tiểu thuyết BIẾN ĐỘNG - NXB Thuận Hóa 1984 - Nhà văn Thái Vũ đã viết rằng : đứa con gái còn đang bú mẹ, bị quan quân giật từ trên tay Thể Cúc bóp cổ cho chết ]
2/- [ Đứa con trai tên là Ngáo. Vì quá nhỏ nên chưa xử, đưa cho người bà con đang ở rể trong phủ Tuy Lý vương nuôi. Khoảng 13 tuổi, Ngáo bổng dưng mất tích. (Đỗ Bang, ''Đoàn Hữu Trưng'' trong Danh nhân bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1986 .]
Chúng tôi nghiêng về thuyết thứ 2 vì cảm tính , bởi thuyến thứ 1 dã man quá .
Thể Cúc gần như điên loạn, về sau bị tước bỏ hoàng tộc đổi qua họ mẹ là họ Tống, được cha đưa vào nhà thờ Thiên Chuá chịu phép rửa tội giam mình suốt đời trong dòng tu kín .
Sau chính biến, hoàng thành đóng cửa suốt 3 ngày, Tùng Thiện Công Miên Thẫm( 11/12/ 1819 – 30/4/ 1870 ) ba ngày rũ tóc quỳ ngoài cửa Đông Ba để chịu tội, kế được chỉ dụ cho về yên nơi tư thất đợi chờ. Sau đó bị kết tội danh “đồ mưu phản bạn”, phạt bổng một năm. Tuy không phải tội chết nhưng uy tín, tình cảm đối với vua Tự Đức bị suy giảm, mấy năm sau mới có động thái tôn trọng Công trở lại cho đến hết đời.
Đến năm thứ 10 Khải Định–1924–Miên Thẫm mới được truy phong tước vương.(Ở quận 8 TP.HCM có đường Tùng Thiện Vương chạy ngang qua đường Xóm Củi .)
Đoàn tư Trực, Đoàn hữu Ái đã bị trọng thương và chết ngay sau đó. Trong ngục gần bên viện Đô Sát, Đoàn Trưng bị tra khảo để cung khai ra kẻ chủ mưu, đồng phạm. Đoàn Trưng xin thượng thư bộ hình Phan huy Vịnh (BTBNLT chép Lê bá Thận có lẽ không chính xác) cho giấy viết, nhưng thay vì cung khai, lại viết “Trung Nghĩa Ca”, rồi khéo léo tìm cách bí mật đưa được ra ngoài. Sau đó chịu xẻo từ miếng thịt, hai vế đùi chỉ còn trơ xương, bị cắt từ cánh tay, cho đến chết.(“BTBNLT” không chép Đoàn Trưng chết như thế nào,” Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu” của Nguyễn bá Trác cũng chỉ ghi vắn tắc “Đoàn Trưng phạm cung khuyết bị tội chết”. Chết do xử lăng trì được ông Bùi quang Tung công bố trên tạp chí Đại Học của Viện Đại Học Huế tháng 8 -1963). Bản triều bạn nghịch liệt truyện chép câu nói cuả Đoàn Trưng :” Sự thành thiên hạ đế , bất thành điạ hạ quỷ , hà tất thâm cứu “ : (“ Việc thành thì làm vua thiên hạ, việc chẳng thành thì làm ma dưới đất, hà tất phải xét hỏi sâu xa“ )– có thể do người viết sử thêu dệt thêm nhằm xuyên tạc lòng chính trực cuả Đoàn Trưng, bởi từ đầu đến cuối không thấy bằng chứng Đoàn muốn làm vua ?! Cũng có thể Đoàn Trưng nói liều để chấm dứt nhục hình ?!.
Tương truyền Trung Nghĩa Ca được đưa ra khỏi nhà lao là nhờ một người thị vệ già cảm khái lòng trung cang nghĩa khí, đã liều chết và mưu trí nhận sự uỷ thác cuả Đoàn Trưng .
Bài ca này bí mật lan truyền trong dân gian, đến khoảng tháng 3, 4 năm 1876 (10 năm sau biến động kia), cụ Trương Vĩnh Ký ghi được lúc tham gia công cán Bắc Tuần cùng toàn quyền Pháp, và chép vào tập “Trương vĩnh Ký di chỉ” .Về sau tập này ông Hoàng xuân Hãn có được ,cuối cùng được tàng trữ trong thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội.
PHẦN IV : Trích “ Trung Nghĩa Ca “
Qua vài dòng thơ Trung Nghĩa Ca thử suy luận tại sao Đoàn Trưng nổi loạn :
1/-Vì Tự Đức và triều đình bất lực trước giặc Tây Dương :
(câu 19-24 ) Hay đâu gió bụi quanh trời
Can qua đầy đất cõi ngoài chẵng an.
Thuyền Tây khói lửa dọc ngang
Lui nơi Đà Nẵng lại sang Cần Giờ .
Làm cho trăm họ ngẩn ngơ
Lò hương mưa bạt, giường thờ gió nghiêng
( câu 35-38 ) Có đâu sóng dậy đất bằng
Chẵng ai bắt được một thằng giặc Tây .
Bởi vì lương tướng không tay
Khéo đem binh lính bỏ thây chiến trường
2/- Vì sự lầm than của dân chúng :
(câu 100-101) Xâu bơi đóng góp nặng nề
Cực thay lính dưới sướng về quan trên
3/- Vì sự lên ngôi mờ ám của Tự Đức :
( câu 157-160) Cỡi rồng vừa thuở thăng thiên
Kim ngôn sắc để ngôi truyền trừ quân .
Vì Trương đăng Quế tôi gần
Dùng mưu kiểu chiếu xây vần cho ai .
( 4 câu trên ý nói Trương đăng Quế giả chiếu đưa Tự Đức lên ngôi thay Hồng Bảo )
4/-Vì thương xót gia đình Hồng Bảo :
(câu 219-222) Ai ai thấy dạ thương thầm
Luỵ tuôn đôi mắt kim châm chín chiều .
Một gian ngục thất buồn thiu
Mấy thu nắng lửa mưa dầu biết chi .
(nói về các con của Hồng Bảo bị giam trong ngục sau vụ Hồng Tập chống nghị hòa bị lăng trì xảy ra năm trước *)
5/- Vì nghĩa lớn ,không có tham vọng quyền lực cho mình , không có ý hạ sát vua Tự Đức :
(câu 205-206) Chi bằng ra sức phò trời
Đem về chính thống mới hay tôi lành .
(câu 279-280) Trước tôn vua Thái thượng Hoàng
Sau tôn ngũ đại đồng đường lên ngôi
( có thể tin được tấm lòng chân thật cuả Đoàn Trưng, vì Đoàn biết mình chết chắc, đâu cần minh oan gì thêm với triều đình, viết Trung nghiã ca chỉ nhằm bí mật đưa ra ngoài cho nhân thế. Một kẻ sĩ can trường như vậy còn sợ gì mà phải lái ngược lòng mình?)
6/- Vì lầm than của quân dân xây Khiêm Lăng :
(câu 243-254) Tới thăm công sở Vạn Niên
Lùa quân trèo ngược đầy miền núi non
Đôi vai gánh đá xương mòn
Mông trôn roi đánh chẵng còn mảng da
Đưa người đất cát xông pha
Cả đêm vôi quết chẵng tha canh nào
Kẽ thời sức mỏn hơi hao
Người thời mắc lấy ốm đau chẵng lành
Người thời quần áo tan tành
Miệng thèm khát nước dạ đành đói cơm
Phá tan một cõi trời Nam
Xương xây thành kín , máu làm hào sâu
Dù việc bất thành , Đoàn Trưng vẫn tin việc mình làm là chính nghĩa :
Kìa ai đem dạ mà thương
Chớ vu bạn nghịch mà oan tất lòng .
Thân danh nhẹ giống lông hồng
Anh hùng mấy kẽ khỏi vòng hoạ tai .
Có tài mà ỷ chi tài
Một cây khó chống mái nhà bổ nghiêng
Bán sanh mắc nghĩa an nguyền
Nắng thu treo rạng gan liền tướng quân
Qua tư liệu không nhiều, cũng khó đo được lòng trung nghiã cuả Đoàn Trưng tới mức độ nào, chỉ có thể nhìn ông qua nhân cách cuả Tùng Thiện Công Miên Thẫm. Dù cho Đoàn có ngạo mạn ngang bằng Chu Thần Cao bá Quát, công tâm soi rọi vẫn không thấy gì nghi ngờ tấm lòng trung quân ái quốc cuả một kẻ sĩ thấm nhuần đạo lý thánh hiền.Cánh cưả Tả Sương kiên cố cở nào mà chống đở nổi hàng trăm chiếc chày vôi, chiều cao ba mét bảy mươi hai bờ tường không cắm chông gai cuả Tử Cấm Thành đâu phải là chướng ngại không vượt qua được ! Vậy mà Đoàn Trưng đã dừng lại ở đây !
PHẦN V : Phân tích nguyên nhân thất bại của cuộc chính biến .
Thành phần lãnh đạo chỉ huy trong CHÍNH BIẾN “CHÀY VÔI” :
Cánh quân thứ nhất : Đoàn Trưng, Đoàn tư Trực, Đoàn hữu Ái, Nguyễn văn Vũ , tiến vào theo hướng chánh Nam.( Có thể có chia ra một cánh vào theo cửa chánh Đông )
Cánh quân thứ hai : Trương trọng Hòa, Phạm Lương vào theo cửa chánh Tây .
Cánh quân thứ ba: Sư Nguyễn văn Quý(cánh nầy chưa qua sông Hương tự rút lui, tự tan rã) không rỏ Nguyễn văn Viên, Nguyễn văn Lý ở cánh quân nào ?
Thành phần nội ứng: Hữu quân Đô thống Tôn thất Cúc, Vệ uý Tôn thất Giác, Suất đội Nguyễn tăng Hựu, Bùi văn Liệu, Lê văn Cơ, Hồ văn Sự, Nguyễn văn Đệ, Lê chí Trực …
Cố vấn chính trị? : Có nhiều dấu hiệu cho thấy không phải Tùng Thiện Công Miên Thẫm không biết âm mưu này, và quan điểm tôn Tự Đức lên làm Thái thượng hoàng, thay vì hạ sát luôn, chưa chắc là của riêng Đoàn Trưng, ngay cả kịch bản Thể Cúc nghịch hổn với mẹ chồng bị Đoàn Trưng đuổi về Ký Thưởng Viên trước khi hành sự. Nhưng có lẽ Công chỉ cố vấn ngấm ngầm bóng gió mà thôi chớ không trực tiếp .Tại sao Công đồng tình chuyện tày trời nầy? Vì Công cũng tiếc thương Hồng Bảo như người anh ruột của Công là Tương An Công Miên Bữu,( vừa là chú , là thầy, vừa là bạn của An Phong Công Hồng Bảo ) .
Vua Tự Đức chắc cũng ngầm biết, mà không dám mạnh tay với ông chú ruột đang coi Tôn nhân phủ vì không chứng cớ -. (Đế viết : Công tố hữu học , cửu mông sủng quyến , khởi hữu hà tâm , đãn trạch tế bất tinh , hữu điếm thanh giá , phạt bổng nhất niên – [ Công là người có học, từ lâu được ta thương mến, há có lòng nào, chỉ vì chọn rể không tinh, để mang tiếng xấu, phạt bổng một năm ] ) .
Còn những ai nữa ? Sau vụ án Hồng Tập năm trước, cho thấy trong nội bộ hoàng thân quốc thích quan lại đại thần luôn có một lực lượng ngấm ngầm đối kháng, vì vậy bộ hình quyết tra khảo dã man Đoàn Trưng để moi thêm những phần tử phản nghịch đàng sau loạn Chày Vôi .
Số người bị giết chết khá nhiều, 17 người bị xử lăng trì, hàng chục người bị chém bêu đầu chưa kể 8 người bị thắt cổ thuộc gia đình Hồng Bảo, đến nỗi Kinh lược đại thần Nguyễn tri Phương và Tổng đốc Vũ trọng Bình từ Bắc Kỳ vâng chỉ về kinh, tâu lên vua Tự Đức xin kết thúc vụ án để khỏi liên luỵ quá nhiều. (ý muốn nói đến các hoàng thân quốc thích)
Có cần minh oan cho Đoàn Trưng ?
Mạnh Tử viết “…con giết cha , tôi thí vua không phải chuyện một sớm một chiều…”. Đoàn Trưng hành sự không phải là manh động nhất thời của người bất đắc chí, mà bản chất là một cuộc đảo chính có tổ chức và được sự ủng hộ của một bộ phận hoàng tộc, quân nhân, cùng với quần chúng nhân dân lao động .
Cần nhớ lại trước vụ Chày Vôi hơn một năm đã xãy ra vụ Hồng Tập (*) cùng với một nhóm hoàng thân quốc thích âm mưu khởi binh giết Phan thanh Giản và Trần tiễn Thành, với lý do chống nghị hoà với Pháp, do tổ chức kém, lộ bí mật, bị sập bẫy cuả Trần tiễn Thành (**) , những người chủ mưu phải tội chết , Nguyễn Phúc Hồng Tập bị xử lăng trì , dù được Hoàng Diệu cùng mấy đại thần hết sức tâu xin với lý do : Chống nghị hoà cũng vì yêu nước không phải phản nghịch,nhưng không kết quả , đến nỗi những người tâu xin đều bị giáng chức.
Mười chín năm trước đã xảy ra vụ phế lập mờ ám bị dư luận trong ngoài hoàng tộc nghi ngờ do Trương đăng Quế,Võ văn Giải, Nguyễn tri Phương, Lâm duy Thiếp cùng với Bà Từ Dũ chủ mưu sửa di chiếu của Thiệu Trị phế Hồng Bảo lập Hồng Nhậm nối ngôi. Hồng Bảo phẩn uất, thổ huyết ngay điện Thái Hòa, về sau dẫn đến những sai trái, manh động, phản kháng đơn độc, tuyệt vọng, cuối cùng đưa ông cùng tòan gia vào chỗ chết, chính vụ này làm cho hoàng tộc chia rẽ kéo dài mãi về sau. Dù Đại Nam Thực Lục cố gắng làm cho quan điểm cuả vua Thiệu Trị hết sức khách quan và mô tả nỗi lòng dằn dặt trước quyết định phế trưởng lập thứ . Vua Tự Đức lên ngôi từ năm 1847, đã 19 năm cầm quyền, dù có nguyên nhân khách quan chủ quan của lịch sử , nhưng với tình hình cuả đất nước lúc đó cho thấy Tự Đức là một ông vua kém cỏi về chính trị, chính trong bài Khiêm Cung Ký, nhà vua đã thú nhận phần nào năng lực nầy cuả mình. Hàng loạt sai lầm trong chính trị, ngoại giao và thất bại quân sự, mà nếu cương nghị thánh minh, biết theo lời trung dũng của tầng lớp quần chúng nhân sĩ trí thức đầy tâm huyết với đất nước lúc đó, đủ quyết đoán gạt bỏ những nguỵ biện cuả quyền thần, thừa tỉnh táo trước sự cầu an cuả nội cung, thì cục diện Đại Nam có thể khả quan hơn và không đến nỗi tan nát hết như từ sau ngày vua băng hà ( 4 tháng 3 vua ) . Tuy trách nhiệm còn có phần của những người nông cạn chốn nội cung, nhưng dù gì trước lịch sử Tự Đức vẫn là một ông vua có đủ quyền uy tối thượng trong tay, Khiêm Cung Ký đã nhận lỗi về mình nhưng vua có lỗi hay hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi là có lỗi ?
Mặt khác, những quyền thần đã ủng hộ một ông vua quá giỏi thơ văn nhưng nhiều bệnh tật trong giai đọan dầu sôi lửa bỏng của đất nước, những vị nầy cũng phải chịu trách nhiệm trong hàng loạt thất bại và chính sách sai lầm, chớ không thể quy kết cho một mình vua Tự Đức.
Về khía cạnh nhân đạo, theo vài tư liệu ngoại sử, trong đó có người Tây, đã tỏ sự nghi ngờ lòng nhân từ cuả vua Tự Đức ( theo sử gia triều Nguyễn hết lời ca tụng ) , bởi qua lăng kính lịch sử phải biện minh sao về cái chết cuả Hồng Bảo, lăng trì Hồng Tập, thãm sát gia đình Ưng Đạo, giết chết dã man con gái cuả Thể Cúc, chém thây Tôn Thất Cúc... Đó là trong hoàng tộc, còn ngoại tộc thì không kể xiết ! Tuy chiếu , dụ , thơ , văn để lại nhiều thể hiện từ tâm, nhất là qua Khiêm Cung Ký phần nói về cố sự cốt nhục năm xưa khiến người ta không khỏi bâng khuâng chạnh lòng, nhưng chữ nghiã bi ký là thứ hữu hình, hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, lấy thước nào mà đo được lòng vua ?
Đoàn Trưng là một kẻ sĩ xuất thân thường dân, không màng khoa bảng lợi danh, hiểu rõ tâm tư của quần chúng, nặng lòng với nỗi đau đất nước, dân tộc bị ngoại bang xâm lăng. Bằng nhản quan hôm nay Đoàn Trưng đã hành động như một nhà cách mạng, dấn thân vì trách nhiệm cuả kẻ sĩ thời loạn, hoàn toàn không thấy động cơ danh lợi cho bản thân mình hay cục bộ phe đảng. Lực lượng lãnh đạo cuộc đảo chính nghĩ rằng khi thay thế được một Tự Đức bạc nhược quanh năm bệnh hoạn, đầy mặc cảm tự ti, bằng một ông vua trẻ trung mạnh khỏe năng động hơn mà lúc đó Ưng Đạo là hình tượng duy nhất trong mắt những người ưu thời mẫn thế, theo sau sẽ là những trung thần tích cực– gần thì có Tôn thất Cúc, Hoàng Diệu, gia đình cựu hàm binh bộ thượng thư Nguyễn đình Tân…trí thức tiến bộ Phạm phú Thứ, Nguyễn trường Tộ, Nguyễn lộ Trạch …, miền Nam xa xôi vẫn còn biết bao nhiêu nhân sĩ tướng sĩ, dân chúng ...bất khuất giặc Tây, cho phép ông hy vọng khả năng đảo ngược được tình hình bi đát hiện tại.
Không may! Chính kiến không dứt khoát rạch ròi, không có kinh nghiệm quân sự và lãnh đạo chỉ huy, kế hoạch hành quân sơ sài, bản đồ mục tiêu không có, sơ đồ tác chiến mơ hồ, nội ứng, ngoại công, tập hậu …phối hợp rời rạc, tập hợp lực lượng vũ trang và quần chúng quá cập rập không đủ thời gian làm công tác tư tưởng, dù có ưu thế bất ngờ và bảo mật khá tốt.
Đoàn Trưng đã thãm bại ! Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên! Không thành công nhưng cũng chưa được coi thành nhân! Sử sách vẫn còn nguyên 2 chữ nghịch tặc !
Đứng trên quan điểm cầm quyền, xưa nay không ai hoan nghênh, khuyến khích, hành động nổi dậy, lật đổ! Lịch sử cũng không bao giờ có giả định để lập thuyết chuyện đã qua! Nhưng từ giác độ nhân bản, từ triết lý “cái quan nhi luận “, chỉ để xét về một con NGƯỜI Đoàn Trưng thôi, nếu biến cố Chày Vôi thành công, thì trước lịch sử, Đoàn Trưng là nghịch tặc hay anh hùng ?
NhuKhong Đặng công Tạo
* * *
Chú Thích :
(*) Phú Bình quận công Hồng Tập ( con của hoàng tử Phú bình Công Miên Áo), là em chú bác ruột với Hồng Nhậm Tự Đức. Đồng chủ mưu với công tử Hồng Tập có phò mã Trương văn Chất là con trai của Tổng đốc Vĩnh Long Trương văn Uyển. Dính líu vào còn có 2 người em trai của phò mả Nguyễn đình Tứ,( là em ruột bà Thiện Phi Nguyễn đình - một trong những bà phi của Tự Đức - cùng là con ruột của cựu hàm thượng thư bộ binh Nguyễn đình Tân ), Tri huyện Hương Trà Tôn Thất Thanh , Tôn Thất Thừa và một số tôn thất nhà Nguyễn .
(**) Năm 1885 phụ chính Trần Tiển Thành bị nhóm chủ chiến Tôn thất Thuyết sai người ám sát chết tại tư dinh .
* * *
Đặng công Tạo .
--------------------------------------------------------