NHÀ CHÍ SĨ PHAN CHU TRINH THOÁT CHẾT NHƯ THẾ NÀO . Như Không

NHÀ CHÍ SĨ PHAN CHU TRINH THOÁT CHẾT NHƯ THẾ NÀO
Theo tư liệu cũ, sau khi đổ Tiến sĩ, Phan chu Trinh không ra làm việc cho triều đình Huế, mà đi hoạt động cách mạng Duy Tân. Năm 1907 ông bị Pháp bắt giao cho triều đình Huế xét xử. Đây là thủ đoạn ném đá dấu tay của thực dân Pháp, trường hợp nầy, họ đã áp dụng cho nhà hoạt động Văn Thân chống Pháp Nguyễn xuân Ôn trước đó, vì tuy giải giao cho triều đình Huế xử để tránh tiếng, nhưng họ đứng sau ngầm chỉ đạo xử theo ý họ. Đến Phan chu Trinh họ cũng làm như vậy.
Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều bài thơ bài viết không thiện cảm, xúc phạm đối với giới quan lại triều đình Huế, khi bị Pháp giao cho xét xử thì đây là cơ hội cho triều đình Huế trả thù ông. Sự thật có đúng như vậy không ?
Suốt hơn 80 năm dư luận vẫn hằng định điều đó.Cho đến khoảng đầu thập niên 1990, một người cháu của ông tên là bà Phan thị Minh- nguyên đại sứ Việt Nam tại Italia- đã sang Pháp thu thập được tài liệu lưu trữ trong văn khố nhà nước Pháp, bà đã công bố sự thật xin tóm tắc như sau : “ Khi bị giải giao về Huế, Hội Đồng Cơ Mật làm án và cuối cùng họ đã vận dụng điều 224 của Luật Gia Long để kết tội Phan chu Trinh là thủ phạm âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện ( so sánh với Phan bội Châu đang ở nước ngoài là người đã thực hiện )- chúng tôi nhấn mạnh. ĐcT- nay xử trảm treo, đày đi Lao Bảo và cấm cố chung thân, không được hưởng ân xá. Bản án phải trình cho Pháp duyệt. Tên khâm sứ Lévecque không chịu duyệt bản án nầy, biên bản phiên họp ngày 11 tháng 4 năm 1908 cho biết y đã cố ép Hội Đồng Cơ Mật xử theo điều 223 về tội làm loạn, khung hình phạt là xử chém. Hội Đồng Cơ Mật bị bắt buộc phải làm bản án thứ 2 theo luận điệu của thực dân Pháp mà đại diện là khâm sứ Lévecque, để vụ án được thông qua. Tuy nhiên khi kết án và thi hành án thì vẫn giữ nguyên phán quyết của bản án đầu tiên nhờ vậy Phan chu Trinh đã thoát khỏi án chém”. Công bố của bà Phan thị Minh còn cho biết triều đình Huế - thuộc triều đại vua Duy Tân- đã cố gắng hết sức khó khăn mới qua mắt được Lévecque.
Về sau người ta chỉ biết cách thi hành án (bản án thứ nhất) cho là quá nặng đối với Phan chu Trinh để kết luận rằng triều đình Huế trả thù. Đâu có ai ngờ nhờ đó mà Phan chu Trinh thoát chết trong gang tất ! Và những người có liên quan cũng không dám nói lên sự thật rằng đã qua mắt thực dân Pháp để cứu Phan chu Trinh, đành im lặng chịu búa rìu dư luận của những người Việt Nam yêu nước và cả với lịch sử !
Viết tại Vĩnh Long ngày 29 tháng 6 năm 2012
Như Không Đặng công Tạo

Tượng cụ Phan , điêu khắc bằng đá Non Nước ( Đà Nẵng )

Vua Duy Tân và các quan đại thần .
( thời điểm xảy ra vụ án Phan Chu Trinh )
“Còn về Phan Châu Trinh thì hình như Hội đồng Cơ mật có sự nhầm lẫn trong việc áp dụng luật. Khi làm án, Hội đồng đã vận dụng điều 224 “Mưu loạn vi hành (mưu làm loạn nhưng chưa làm) thì xử án treo”. Nhưng trong vụ này có thể nói là mưu loạn nhưng chưa làm được không? Ngược lại, chính Phan Châu Trinh trong suốt hai năm qua đã tổ chức vụ sách động vừa nổ ra... Các thành viên của Hội đồng Cơ mật là những vị quan tòa có trách nhiệm phải áp dụng đúng đắn các văn bản pháp luật... Họ đã ám sát một chánh tổng, đã hành hung và trói quan phủ Điện Bàn... Những hành vi ấy chưa đủ để làm án nặng hơn sao?
Quý vị chưa nhắc đến vai trò của Thượng Thư Lê Trinh trong vụ án nầy. Xin góp vui tí vậy :
* Cụ Lê Trinh sinh năm 1850 tại vùng quê làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và mất năm 1909. Cụ đã từng làm quan triều Nguyễn thời Thành Thái và Duy Tân với chức Thượng thư bộ Lễ.
* Vì Khâm sứ Pháp Lévecque cho rằng để xử tội Phan Châu Trinh phải áp dụng điều 223 về “tội làm loạn” mới đúng. Từ đó Lévecque luôn nhắc Phủ Phụ chánh “phải áp dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối, phải xem xét lại bản án ngay” . Nhưng với lương tri và dũng khí, Phủ Phụ chánh, đứng đầu là Cao Xuân Dục và Lê Trinh đã dám cưỡng lại lệnh Khâm sứ. Rút cục bản án thứ hai của Phủ Phụ chánh làm lại (sau khi đấu tranh với Lévecque), ngày 11/4/1908, vẫn chỉ xử Phan Châu Trinh với án: “trảm giam hậu”… Nghĩa là không chém ngay theo yêu cầu của Khâm sứ Pháp và để tránh sự đối phó áp lực quyền hành của Pháp, Thượng thư Lê Trinh cho thi hành ngay bản án: “giam lại, chém sau, đày đi xa…”.
* Có thời gian Phan Chu Trinh làm Thừa biện bộ Lễ lúc Lê Trinh làm Thượng thư Bộ này, Lê Trinh từng biết tài và chí hướng của thuộc hạ là ông Phan. Do đó cụ Lê Trinh không nỡ lòng nào mà thi hành ngay lệnh của quan toà Pháp phải chém ngay một chí sĩ yêu nước thương dân như mình. Vì vậy, cụ Lê Trinh nghĩ cách hợp tình, hợp lý vận dụng theo quyền hành của một Phụ chính đại thần đầu triều thay vua giải quyết công việc triều chính (không đơn thuần là Thượng thư Bộ Lễ) và đã quyết định ngay thực thi bản án mà không để cho bọn Pháp trở tay chèn ép đòi chém cụ Phan Chu Trinh.
ĐcT : Xin Cám ơn ông Nghiêm Phúc Luân . Mong được chỉ giáo thêm nhất là thể tài về Sử nầy .